Cảnh giác thủ đoạn shipper lừa đảo và 7 cách phòng tránh
- Ngày đăng:
- Kiến thức giao hàng
Tình trạng mạo danh shipper lừa đảo ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, không chỉ khiến nhiều người bị ‘sập bẫy’ mất tiền vô tội vạ mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các shop bán hàng online. Vậy có những chiêu trò lừa đảo nào từ shipper cần cảnh giác và làm sao phòng tránh? Cùng GHN tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
1. Shipper lừa đảo khách hàng như thế nào?
Lợi dụng thời cơ mua hàng trực tuyến bùng nổ, kẻ xấu sẽ giả mạo shipper để lừa đảo bằng những thủ đoạn tinh vi như:
1.1 Mạo danh shipper hối thúc khách chuyển khoản nhận đơn
Với hình thức này, kẻ gian sẽ gọi đến người mua bằng số lạ và tự xưng là shipper đang giao hàng, đọc đúng tên tuổi, địa chỉ rồi yêu cầu chuyển khoản để nhận gấp. Nhưng ngay khi hoàn tất chuyển khoản, bạn sẽ bị chặn số điện thoại ngay lập tức, không thể liên lạc, mất tiền và không nhận được món hàng nào.
Những người có thói quen hay mua sắm online, săn hàng livestream rất dễ là đối tượng của vụ lừa đảo này. Bởi chúng sẽ đánh vào tâm lý chủ quan của họ thường không nhớ rõ mình đặt những gì vì… mua quá nhiều, nên khi thấy shipper liên tục nhắn tin, thúc giục chuyển khoản. Nghĩ rằng đó là đơn hàng quen thuộc sẽ vội vàng chuyển tiền ngay mà bỏ qua bước xác minh.
1.2 Shipper nhắn tin yêu cầu chuyển khoản cho một số tài khoản “lạ”
Đây là một chiêu thức shipper lừa đảo khá tinh vi, thường nhắm vào các đối tượng người mua hàng giá trị cao khiến họ mất đến hàng chục triệu đồng. Cụ thể, kẻ gian dàn dựng tình huống cho người mua chuyển khoản xong xuôi, sau đó gọi lại báo đã nhắn nhầm số tài khoản “lạ” để đăng ký làm Hội viên shipper (hoặc tài khoản kích hoạt gói bảo hiểm…) và nhờ bạn gọi lên tổng đài để hủy; nếu không sẽ trở thành hội viên và mất số tiền đã chuyển hoặc bị trừ tiền mỗi tháng.
Vì muốn nhận lại tiền, người bị lừa đã gọi theo số shipper cho, nhận đường link và làm theo lời chỉ dẫn truy cập vào trang web làm thủ tục. Để lấy lại tiền bồi hoàn, chúng có thể yêu cầu chuyển khoản thêm tiền hoặc nhập thông tin tài khoản ngân hàng để nhận lại tiền. Khi thực hiện theo, tất nhiên tiền trong tài khoản sẽ ‘không cánh mà bay’.
Nhiều người cho biết, tuy cơ chế hủy, hoàn tiền khá phức tạp, nhưng chúng sử dụng các thuật ngữ rất chuyên môn như ‘giao dịch tài chính công ty, bồi hoàn tiền từ công ty, cơ chế chi trả tự động…’. Cùng với đó, nhân viên nói chuyện giọng rất dễ nghe, ‘thao túng tâm lý’ của người bị lừa, nghĩ rằng họ đang giúp mình và shipper lấy lại tiền nên đã mất cảnh giác.
Tham khảo: Lừa đảo trực tuyến là gì? 10 hình thức phổ biến hiện nay
Nhiều kẻ gian dùng chiêu trò tâm lý như nhắn nhầm tài khoản thanh toán để hù dọa trừ tiền, sau đó lừa nạn nhân muốn nhận tiền hoàn lại phải nhấn vào đường link chúng cung cấp.
1.3 Shipper nhờ hỗ trợ cung cấp mã OTP
Nhiều trường hợp giả danh shipper lừa đảo bằng cách gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng. Trong đó yêu cầu người bị lừa nhập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và mã OTP để thực hiện giao dịch. Bằng cách này chúng sẽ thu thập được các thông tin ngân hàng và sử dụng để rút hết tiền.
Hình thức này không chỉ gặp ở người mua, mà còn có thể xảy ra ở cả người bán. Kẻ lừa đảo sẽ chọn thời điểm chủ shop không có mặt ở kho để yêu cầu chuyển tiền gấp kịp đi đơn. Người bị lừa thường chủ quan vì thấy thông tin shipper quen thuộc và tâm lý muốn giao đơn nhanh cho khách, dẫn đến việc chuyển khoản mà không xác minh.
1.4 Một số trường hợp khác
Ngoài các hình thức phổ biến kể trên, kẻ xấu cũng có thể mạo danh shipper để lừa đảo bằng một số cách khác như:
Giao hàng không đúng nội dung: Ship hàng với nội dung không đúng như mô tả hoặc hàng giả, hàng nhái. Sau khi người mua nhận tiền và bấm hoàn thành đơn thì không thể khiếu nại.
Lừa đảo hoàn tiền hoặc đổi trả: Kẻ xấu giả danh shipper đến thu hàng đổi trả nhưng không giao lại sản phẩm mới hoặc tiền hoàn.
Lừa đảo phí vận chuyển: Kẻ gian liên hệ nhận giao hàng và yêu cầu chuyển khoản trước phí vận chuyển, sau đó chiếm đoạt tiền mà không giao hàng.
Tráo đổi hàng: Giao hàng đúng đơn nhưng sau đó tráo đổi hàng giả, hàng lỗi khi khách hàng không chú ý.
2. Khách bị shipper lừa đảo có thể lấy lại tiền được không?
Thông thường, khách hàng bị shipper lừa đảo khó lấy lại được tiền, bởi nhiều lý do như:
Kẻ gian thường sử dụng danh tính giả, số điện thoại không chính chủ nên không để lại thông tin nào có thể truy dấu.
Nếu shipper không thuộc đơn vị giao hàng chính thức mà là cá nhân hoặc dịch vụ trung gian không uy tín, các sàn TMĐT hoặc công ty giao nhận thường không chịu trách nhiệm về rủi ro này.
Một số giao dịch bằng tiền mặt (COD), không có hóa đơn, biên nhận hoặc chứng cứ rõ ràng nên không thể chứng minh hành vi lừa đảo.
Tham khảo: Cách lấy lại tiền đã chuyển khoản khi bị lừa nhanh chóng
Việc tự mình lấy lại số tiền bị lừa khó thực hiện, bởi người bị lừa thường không rõ danh tính kẻ lừa đảo.
3. Bị shipper lừa đảo phải làm sao?
Thay vì tự mình tìm kiếm kẻ lừa đảo, bạn nên trình báo ngay với cơ quan Công an để được hỗ trợ giải quyết và ngăn chặn vụ việc tiếp tục xảy ra.
Để trình báo lừa đảo với cơ quan Công an, bạn thực hiện như sau:
Thu thập tất cả các thông tin như số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản, nội dung tin nhắn trao đổi với kẻ xấu… để làm chứng cứ tố giác
Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm: Đơn trình báo công an; Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng); Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…).
Ngoài trình báo trực tiếp, bạn có thể liên hệ qua trang web, đường dây nóng sau đây:
069.219.4053: Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
0693187200: Đường dây nóng với người dân sống tại TP. Hồ Chí Minh.
https://www.facebook.com/ConganThuDo: Trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội.
https://canhbao.ncsc.gov.vn: Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
4. Cách phòng tránh shipper lừa đảo hiệu quả
Để tránh nguy cơ rơi vào vòng vây của chiêu thức lừa đảo, mạo danh shipper, bạn hãy ‘ghi nhớ’ các điều dưới đây:
4.1 Theo dõi tiến trình giao đơn liên tục
Hầu hết các đơn vị vận chuyển uy tín đều cung cấp mã vận đơn để chủ shop lẫn khách hàng theo dõi trạng thái đơn hàng. Người dùng nên kiểm tra tiến trình giao đơn thường xuyên trên ứng dụng hoặc website để nắm rõ trạng thái đơn hàng như đang lấy, đến kho vận, đang giao… Nếu phát hiện bất kỳ thông tin bất thường nào, hãy liên hệ ngay với bên bán hoặc công ty vận chuyển để được hỗ trợ.
Lên đơn cùng Giao Hàng Nhanh (GHN): Tra cứu vận đơn dễ dàng, an tâm giao nhận Nếu lựa chọn đơn vị vận chuyển GHN, chủ shop an tâm có thể tra mã đơn GHN dễ dàng để vừa theo dõi tình trạng kiện hàng, vừa lấy được số điện thoại shipper. Nhờ vậy, người bán sẽ hỗ trợ khách nắm đơn hàng đang ở đâu, đã giao hay chưa… giúp hạn chế tối đa tình trạng mạo danh shipper lừa đảo. Xem chi tiết TẠI ĐÂY. Bên cạnh đó, đơn vị vận chuyển GHN VN còn có chính sách Giao hàng lại 3 lần miễn phí. Nếu khách không nhận được vì shipper giao hàng giờ hành chính thì có thể hẹn lại lần giao khác. Qua đó giúp khách hàng an tâm nhận được món hàng tận tay - đúng thời điểm thuận tiện nhất! > Đăng ký dịch vụ của GHN Express ngay hôm nay để trải nghiệm dịch vụ giao hàng an toàn chuẩn 5 sao, an tâm kinh doanh! GHN giao muôn nơi, dốc sức hết lòng vì shop đưa đơn hàng an toàn, vẹn nguyên đến tay khách! |
4.2 Chỉ chuyển tiền cho shipper khi bản thân trực tiếp nhận hàng, kiểm tra hàng
Trước khi thanh toán, khách hàng cần mở gói hàng để kiểm tra xem sản phẩm có đúng mô tả, đủ số lượng và không bị hỏng hóc. Nếu có bất kỳ sai lệch nào, hãy từ chối nhận hàng và báo ngay cho bên bán. Tránh trường hợp giao tiền trước khi kiểm tra, vì khi đã thanh toán, khả năng khiếu nại và lấy lại tiền là rất thấp.
4.3 Tuyệt đối không chuyển tiền cho tài khoản cá nhân không rõ ràng
Nhiều trường hợp shipper lừa đảo yêu cầu chuyển khoản trước vào một tài khoản cá nhân không thuộc đơn vị vận chuyển. Vì thế nếu bạn rơi vào tình huống này, hãy bình tĩnh từ chối yêu cầu và liên hệ bên bán hàng để xác nhận lại thông tin. Ngoài ra, để hạn chế rủi ro bị shipper mạo danh lừa chuyển khoản, bạn có thể chọn thanh toán trước đơn hàng bằng tài khoản ngân hàng ngay khi đặt, thay vì thanh toán COD hoặc tiền mặt.
4.4 Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Việc công khai thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream có thể khiến bạn trở thành mục tiêu của kẻ gian. Chúng có thể sử dụng thông tin này để mạo danh hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo khác. Tốt nhất khi mua hàng bạn nên nhắn tin riêng với đơn vị bán để trao đổi thông tin đặt hàng.
4.5 Không truy cập vào bất kỳ đường dẫn lạ nào
Kẻ xấu có thể gửi đường dẫn giả mạo đến khách hàng thông qua tin nhắn hoặc email, yêu cầu cập nhật thông tin đơn hàng hoặc thanh toán. Những đường dẫn này có thể chứa mã độc hoặc trang web giả để đánh cắp thông tin. Vì vậy bạn cần cảnh giác cao độ, tuyệt đối không bấm vào bất kỳ đường link nào không rõ nguồn gốc. Nếu có, chỉ truy cập vào các đường dẫn từ nguồn chính thức như ứng dụng hoặc website của đơn vị bán hàng hoặc vận chuyển.
Bạn không nên truy cập vào các đường dẫn được gửi qua email, tin nhắn hoặc mạng xã hội nếu không chắc chắn về nguồn gốc.
4.6 Chỉ trao đổi thông tin đơn hàng với shipper qua ứng dụng mua hàng
Các sàn thương mại điện tử thường có hệ thống nhắn tin nội bộ để khách hàng và shipper trao đổi thông tin. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và có bằng chứng nếu xảy ra tranh chấp. Để tránh bị lợi dụng hoặc ‘sập bẫy’ lừa đảo, bạn nên sử dụng hình thức này và hạn chế liên lạc qua số điện thoại cá nhân của shipper.
4.7 Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai
Mã OTP là thông tin bảo mật quan trọng, thường được dùng để xác nhận giao dịch hoặc thay đổi tài khoản. Thực tế không một shipper, bên bán, hoặc đơn vị vận chuyển nào yêu cầu cung cấp mã này. Do đó nếu ai đó tự xưng là shipper và yêu cầu mã OTP, khả năng cao là dấu hiệu của lừa đảo, bạn cần từ chối ngay lập tức.
Trên đây là những chia sẻ về các thủ đoạn shipper lừa đảo phổ biến và cách phòng tránh hiệu quả bạn nên biết. Ngoài nâng cao ý thức cảnh giác, bạn hãy thường xuyên cập nhật tin tức về các hình thức lừa đảo để chủ động bảo vệ bản thân và tránh rơi vào bẫy của kẻ xấu nhé!
Xem thêm: