Lừa đảo trực tuyến là gì? 10 hình thức phổ biến hiện nay
- Ngày đăng:
- Tip bán hàng
Lừa đảo trực tuyến là vấn nạn lớn tại Việt Nam khi các hình thức ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Đây cũng là vấn đề mà nhiều shop bán hàng online gặp phải, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự uy tín cũng như doanh thu cửa hàng. Cùng tìm hiểu chi tiết các loại hình lừa đảo trực tuyến hiện nay, cách xử lý và phòng ngừa trong bài viết sau.
1. Lừa đảo trực tuyến là gì?
Lừa đảo trên mạng là các hành vi lợi dụng lòng tin, giả mạo thông tin trên không gian mạng để dùng vào các mục đích trái pháp luật, chiếm đoạt tài sản. Vì mọi hành động được thực hiện trực tuyến thông qua cuộc gọi, tin nhắn, email nên gây khó khăn trong việc xác minh tính chính xác, khiến nhiều người lơ là cảnh giác và bị lừa đảo.
Hiện nay các dịch vụ công nghệ số phát triển mạnh, bên cạnh sự tiện lợi và nhanh chóng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính bảo mật. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng kẽ hở trong bảo mật để đánh cắp thông tin cá nhân và lừa tiền. Số lượng các vụ lừa đảo trực tuyến có xu hướng gia tăng về cả mức độ tinh vi và quy mô (Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong 9 tháng năm 2024 đã nhận hơn 22.200 phản ánh về lừa đảo trực tuyến).
2. Các hình thức lừa đảo trực tuyến hiện nay
Dưới đây là 10 cách thức lừa đảo qua mạng phổ biến mà bạn nên cảnh giác:
2.1. Giả mạo shop bán hàng trên các nền tảng trực tuyến
Dạng lừa đảo này phổ biến trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi kẻ gian tạo các cửa hàng giả giống với thông tin của shop khiến cho nhiều khách hàng nhầm lẫn. Sau khi nhận được thanh toán, chúng không giao hàng hoặc sẽ gửi sản phẩm kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến danh tiếng của shop.
Nhiều kẻ gian giả mạo thông tin shop bán hàng để lừa đảo.
2.2. Làm giả thông tin chuyển khoản ngân hàng
Kẻ lừa đảo có thể làm giả thông tin giao dịch chuyển khoản thành công để thuyết phục người bán tin rằng họ đã thanh toán. Chúng sẽ gửi ảnh chụp màn hình giao dịch ngân hàng đã được chỉnh sửa, nhiều shop vì tin tưởng nên gửi hàng luôn mà không kiểm tra số dư tài khoản. Ngoài ra còn có trường hợp chúng lấy lý do ngân hàng bị lỗi chuyển tiền nên thông báo nhận tiền đến chậm và hối thúc người bán gửi hàng.
2.3. Giả danh shipper để lừa chuyển khoản
Một số kẻ lừa đảo lợi dụng thói quen thanh toán khi nhận hàng để giả mạo shipper và chuộc lợi. Chúng lấy cắp thông tin người mua, tự nhận là nhân viên giao hàng và yêu cầu người nhận chuyển tiền thanh toán. Nhiều người mua hàng không kiểm tra tình trạng đơn hàng hoặc thường gửi hàng cho bảo vệ tòa nhà sẽ tin tưởng và chuyển tiền ngay lập tức, nhưng thực tế thì không có đơn hàng nào được giao cả.
Tham khảo: Cảnh giác thủ đoạn shipper lừa đảo và 7 cách phòng tránh
2.4. Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để mượn tiền người quen
Kẻ gian chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo,...) thông qua các liên kết độc hại hoặc lỗ hổng bảo mật. Sau đó, chúng giả danh chủ tài khoản để nhắn tin mượn tiền người thân, bạn bè. Người bị lừa thường tin tưởng vì thấy thông tin và cách liên lạc quen thuộc, dẫn đến việc chuyển khoản mà không xác minh.
Kẻ xấu có thể hack tài khoản mạng xã hội để mượn tiền, lừa đảo người quen của bạn.
2.5. Lừa đảo trúng thưởng
Đây cũng là một trong các hình thức lừa đảo trực tuyến nhiều người gặp phải. Kẻ gian gọi điện hoặc nhắn tin trúng thưởng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc nộp phí trước khi nhận giải thưởng. Sau đó, chúng có thể lợi dụng thông tin để lừa đảo thêm hoặc chiếm đoạt tiền phí.
2.6. Lừa đảo mua hàng giá rẻ
Những người có tâm lý thích mua hàng giá rẻ là đối tượng dễ gặp phải dạng lừa đảo qua mạng này. Kẻ lừa đảo sẽ quảng cáo các sản phẩm với mức giá rẻ không tưởng để thu hút người mua và yêu cầu chuyển tiền hàng trước. Sau khi nhận tiền chúng có thể gửi hàng giả/hàng nhái hoặc không giao hàng.
2.7. Làm giả tin nhắn ngân hàng để lấy thông tin truy cập
Nhiều kẻ lừa đảo làm giả tin nhắn hoặc email của ngân hàng, yêu cầu nhập thông tin đăng nhập, mã OTP tại đường link để xử lý một vấn đề nào đó. Bằng cách này chúng sẽ thu thập được các thông tin ngân hàng và sử dụng để rút hết tiền.
2.8. Lừa đảo trên mạng bằng cách giả danh công an, cán bộ
Kẻ gian tự nhận là công an hoặc cán bộ nhà nước, thông báo nạn nhân liên quan đến các vụ việc pháp lý như phạm lỗi giao thông hay các sai phạm khác và yêu cầu chuyển tiền nộp phạt. Nhiều người vì sợ hãi đã chuyển tiền mà không xác minh.
Không ít người bị lừa bởi hình thức lừa đảo giả danh công an, cán bộ nhà nước.
2.9. Lừa đảo tham gia đầu tư
Kẻ lừa đảo sẽ đưa ra những lợi ích hấp dẫn khi tham gia đầu tư như lãi suất cao, tốn ít chi phí, thời gian nhận được tiền ngắn,... để thuyết phục nạn nhân đầu tư vào dự án không tồn tại hoặc mô hình đa cấp. Sau khi nhận được khoản đầu tư chúng sẽ cắt đứt mọi liên lạc, để lại nạn nhân với nhiều tổn thất tài chính, thậm chí là khoản nợ lớn.
2.10. Lừa đảo qua mạng bằng hình thức tuyển cộng tác viên
Kẻ gian đăng tin tuyển cộng tác viên online, yêu cầu nạn nhân ứng trước tiền hàng hoặc đóng phí gia nhập. Sau khi nhận tiền, chúng ngừng liên lạc hoặc từ chối hoàn tiền với lý do không thỏa đáng. Hình thức này khá phổ biến trên các hội nhóm tìm việc làm trực tuyến.
3. Bị lừa đảo qua mạng thì báo ai?
Nếu phát hiện bị lừa đảo trực tuyến, bạn hãy trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất hoặc liên hệ qua trang web, đường dây nóng sau đây:
069.219.4053: Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
0693187200: Đường dây nóng với người dân sống tại TP. Hồ Chí Minh.
https://www.facebook.com/ConganThuDo: Trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội.
https://canhbao.ncsc.gov.vn: Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
4. Cách xử lý khi bị lừa đảo trên mạng
Khi bị lừa đảo qua mạng, bạn có thể giải quyết theo các cách sau:
Nếu lừa đảo chuyển khoản thì nên báo ngay với ngân hàng để khóa tài khoản, xác minh thông tin kẻ lừa đảo.
Thay đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội.
Báo cáo vi phạm trên các nền tảng trực tuyến.
Thu thập bằng chứng, làm đơn tố giác lên công an.
Cảnh báo cho người thân, bạn bè về chiêu trò lừa đảo.
Bạn cần biết cách xử lý khi bị lừa đảo trực tuyến để giảm bớt các thiệt hại về tài chính.
5. Cách phòng chống lừa đảo trực tuyến cho shop bán hàng
Đối với các shop bán hàng online, để ngăn ngừa tình trạng lừa đảo qua mạng có thể áp dụng các cách sau:
Luôn để đầy đủ thông tin các kênh bán hàng chính thức của mình trong bio, trong các bài đăng kèm theo link dẫn đến kênh bán để khách hàng biết đâu mới là kênh bán chính xác.
Đăng bài cảnh báo nếu phát hiện có nơi giả mạo shop mình và báo cáo vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội.
Đảm bảo đã nhận được tiền chuyển khoản mới gửi hàng. Hạn chế vì tin tưởng khách hàng quen mà lơ là cảnh giác.
Có thể gọi điện xác nhận đơn hàng và thông báo thời gian gửi hàng cho khách hàng.
Hướng dẫn khách hàng theo dõi tình trạng vận chuyển đơn trên web/app giao hàng để biết lúc nào hàng được giao, tránh nhận sai hàng hoặc bị lừa chuyển khoản.
Giao Hàng Nhanh (GHN) cùng shop kinh doanh an toàn, bảo mật tối đa GHN sở hữu hệ thống website và app hiện đại, giúp cả shop và người mua có thể dễ dàng tra mã đơn GHN và theo dõi hành trình đơn hàng. Chỉ cần nhập mã đơn hàng là có thể biết chính xác hàng đang ở đâu, hàng đã được thanh toán chưa cùng với thời gian giao hàng dự kiến. Hơn thế, chủ shop cũng biết được thông tin người giao hàng (tên và số điện thoại), hỗ trợ khách hàng kịp thời nếu có nghi vấn giả mạo shipper. Đặc biệt, đơn vị vận chuyển GHN còn có tính năng định danh tài khoản trực tuyến eKYC trên app giúp shop bảo mật thông tin hiệu quả, giảm thiểu tình trạng đánh cắp thông tin và lừa đảo. Qua đó bảo vệ shop một cách toàn diện, đảm bảo các quyền lợi cho shop khi trải nghiệm dịch vụ giao hàng của GHN. > Đăng ký dịch vụ của GHN Express ngay hôm nay để giao hàng nhanh và an toàn đến tay khách hàng! GHN đảm bảo giao nhận nhanh và an toàn, giúp shop an tâm bán hàng. |
Bài viết trên là các thông tin hữu ích về lừa đảo trực tuyến. Shop đừng quên nâng cao tinh thần cảnh giác và cập nhật các thông tin mới về tình trạng lừa đảo để có giải pháp đối phó hiệu quả, buôn bán thuận lợi hơn nhé.
Xem thêm: